Thứ Năm, 24 tháng 9, 2020

TRỔI DẬY

 

Câu chuyện

Cho đến năm 1896, vùng Cayenne ở Saint Ouen không bao giờ thấy bóng dáng chiếc áo dòng đen. Nhưng một ngày trong năm đó, một vị linh mục cả gan xâm nhập vào vùng ấy. Một người thấy vậy liền ném đá vào đầu vị linh mục. Vị linh mục cúi xuống nhặt lấy viên đá đầy máu đỏ.

          - Xin cảm ơn ông, đây là viên đá đầu tiên của một đền thờ tôi muốn xây ở đây.

          Và sự thật viên đá đó là viên đá đầu tiên của đền thờ Mân côi được xây ở đó.

          Nước Chúa trên mặt đất này là Giáo hội, cũng bắt đầu trong nhỏ hèn, trong bạc đãi như vậy. Giáo hội vẫn phát triển trong âm thầm và đau khổ (Theo Nguyễn Hài Đồng, Tự điển câu chuyện, 1969, tr. 114).

TIN MỪNG: Lc 9, 18-22

18Hôm ấy, Đức Giêsu cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: “Dân chúng nói Thầy là ai ? “19Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.” 20Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ? “ Ông Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.” 21Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai. 22Người còn nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.

NGUỒN: TGPSG.NET

Ý lực sống

“Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người” (2Tm 2,11).


Thứ Tư, 23 tháng 9, 2020

CHÂN LÝ CỦA NGÀI

 

Câu chuyện

Lạ lùng vì được thụ thai trong lòng một bà già đã quá tuổi sinh con.

Lạ lùng vì khi đang còn ở trong bụng mẹ, đã được sạch tội tổ tông.

Lạ lùng vì khi đang còn thanh niên đã lên núi, sống cuộc đời thinh lặng và khắc khổ.

Lạ lùng vì khi được dân chúng hoan hô khen ngợi như Đấng Cứu Thế, thì vẫn khiêm nhượng xưng mình chỉ là kẻ dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến.

Lạ lùng vì cái chết đầy anh dũng để bảo vệ Luật Chúa: Chết vì bị các kẻ dâm ô chặt đầu bỏ trên đĩa để cười đùa.

Đó là Gioan Tẩy giả…

TIN MỪNG: Lc 9, 7-9

7Tiểu vương Hêrôđê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm. Thật vậy, có kẻ nói: “Đó là ông Gioan từ cõi chết trỗi dậy.” 8Kẻ khác nói: “Ông Êlia xuất hiện đấy!” Kẻ khác nữa lại nói: “Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại.” 9Còn vua Hêrôđê thì nói: “Ông Gioan, chính ta đã chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế ?” Rồi vua tìm cách gặp Đức Giêsu.

NGUỒN: TGPSG.NET

Ý lực sống

Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài (Tv 25,4c.5a).

Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2020

TÔI TỚ CHÚA

Câu chuyện

Đức Maria được chọn làm Mẹ của Con Đức Chúa Trời, Mẹ đã đáp trả lời xin vâng, đồng thời Mẹ khiêm hạ tự xưng mình là tôi tớ của Đức Chúa Trời. Khi nói mình là tôi tớ của Thiên Chúa, Đức Maria nói một cách chân thành, khiêm cung, xác tín, chứ không phải nói một cách giả hình giả bộ.

Khi nói lên sự vâng phục của mình như người tôi tớ của Chúa: “Này tôi là tôi tớ Đức Chúa Trời” (Lc 1,38), Đức Maria nói lên lời khấn thứ hai của mình, lời khấn đức vâng phục. Lời khấn thứ nhất của Đức Maria là lời khấn khiết tịnh, lời khấn mà Đức Maria đã nói ra cho thiên thần biết: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào được vì tôi không biết đến việc vợ chồng” (Lc 1,34).

Mẹ luôn sống thi hành thánh ý Chúa.

TIN MỪNG: Lc 8, 19-21

19 Mẹ và anh em Đức Giê-su đến gặp Người, mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng quá đông. 20 Người ta báo cho Người biết : “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy.” 21 Người đáp lại : “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.”

NGUỒN: TGPSG.NET

Ý lực sống

“Này tôi là tôi tớ Chúa, xin vâng như lời thiên thần truyền” (Lc 1,38).

LÒNG NHÂN

 

Câu chuyện

Nhà điêu khắc Donattello, một hôm từ chối không sử dụng khối đá cẩm thạch cho việc điêu khắc vì nó rạn nứt. Người ta mang khối đá này cho điêu khắc gia nổi tiếng Michel-Ange. Xem xét khối đá, Michel Ange cũng thấy những vết rạn nứt đó. Nhưng ông lại coi đó là một thách thức cho tay nghề của mình. Ông nhận khối đá và ra công đẽo gọt. Nhờ đó mà thế giới mới có được bức tượng vua Đavít, một công trình nghệ thuật sáng giá nhất từ trước tới nay.

TIN MỪNG: Mt 9, 9-13

Bỏ nơi ấy, Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi !” Ông đứng dậy đi theo Người. 10 Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. 11 Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy ?” 12 Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói : “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. 13 Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: ‘Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”

NGUỒN: TGPSG.NET

Ý lực sống

Ta không đến để kêu gọi người công chính đến để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13).

Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2020

LÒNG TIN

 

Câu chuyện

Vườn nho là hình ảnh thân thương đối với dân Do Thái. Chủ đề vườn nho là một trong những chủ đề phong phú nhất của cả Cựu ước, thường được liên kết với chủ đề tình yêu và vườn nho trở nên biểu tượng của “Dân Thiên Chúa” (x. Is 5,1-7; Gr 2,21; Ed 17,6; Hs 10,1; Tv 78,9-16).

Ngôn sứ Isaia đã phác họa hình ảnh vườn nho được chăm sóc để làm nổi bật Thiên Chúa đã yêu thương, chăm sóc dân “tuyển chọn” rất ân cần chu đáo qua nhân vật chủ vườn nho: “Anh ra tay cuốc đất nhặt đá, giống nho quý đem trồng, giữa vườn anh xây một vọng gác, rồi khoét bồn đạp nho” (Is 5,2a). Người chủ quý vườn nho đến nỗi anh có thể làm tất cả cho sự trù phú của nho: “Có gì làm hơn được cho vườn nho của tôi, mà tôi đã chẳng làm?” (Is 5,4). Với sự chăm sóc ân cần cho vườn nho - dân tuyển chọn của Thiên Chúa, người chủ vườn mong những cây nho thân yêu của mình sinh ra những trái nho ngon ngọt...

TIN MỪNG: Mt 20, 1-16a

1 Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. 2 Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. 3 Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. 4 Ông cũng bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng.” 5 Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. 6 Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết ?” 7 Họ đáp: “Vì không ai mướn chúng tôi.” Ông bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho !”

8 Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: “Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất.” 9 Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. 10 Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. 11 Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: 12 ”Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt.” 13 Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao ? 14 Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. 15 Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao ? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức ?” 16Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót.

NGUỒN: TGPSG.NET

Ý lực sống

“Người ta được nên công chính vì tin…” (Rm 3,30).